CÒN TẠI THẾ THÂN TÂM YÊN ỔN PHÁT NGUYỆN TU TRÌ ,ĐÃ QUA ĐỜI ÁC ĐẠO XA LÌA CHÓNG THÀNH PHẬT QUẢ !

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

TÔI ĐIẾU TÔI!

 
TÔI ĐIẾU TÔI!
Hỡi ôi!
Thu về  bụi nắng tủi giăng sầu
Hạ  thoát mắt sương buồn giã biệt!
Ngó sen lưu luyến ngậm thân đau
Ta người loay hoay cầm sanh diệt
Nhớ linh xưa!
Cha Mẹ hội ngộ cho riêng một hình hài
Anh em tương phùng tặng chung bầu khí huyết
Từ đâu rớt tới trụ bờ Ô lâu
Ở mô đến đây găm triền đất Việt..!?
Trần trụi thay!
Sanh ra gặp lúc bè phái như đĩa,bầy hầy quảng bá chém đâm
Lớn dậy đụng thời bang hội tợ sên,nhầy nhụa khoa trương bắn giết
Hai mươi hai chẳn - vất can trường góc khe suối cho lũ cáo chồn
Bốn chục chín dư - quăng não nề nẻo nhà thương gởi bầy cò diệc
Gặp lúc gươm tra võ - khói cuộc chiến tàn
Đụng thời ngựa tháo yên - bóng kiêu binh tiệt.
Quê nhà gặp gỡ vui với chuyện trò
Bạn bè đón đưa mừng sao kể xiết.
Thân là bụi trôi miền hữu hạn ngóng cửa vô sanh
Tâm như không chơi chốn vô cùng lên bờ bất diệt
Thương thay !
Tuổi măng non được Chị*khai tâm nắn chữ sửa bài
Thời tre lạt** nhờ Ôn*** dưỡng trí đẽo vần tập viết
Thơ ấu cù bơ cù bất giã quê quán tan tác rã rời
Thiếu niên ngáo ngáo ngơ ngơ xa nguồn cội bùi ngùi thao thiết
Những muốn đành hanh!
Binh thư lõm bõm lại bắt chước sục sạo sửa giang sơn
Võ nghệ tròm trèm ưa học đòi lăng xăng làm hào kiệt
Thấy danh lợi – lại trừng mắt tham sống
Gặp vinh hoa - thì cung tay sợ chết

Thương sao ô hô!
Chữ nghĩa lỏng bỏng lạt thếch như cháo thí,
 cũng muốn lưu giữ với càn khôn,
Văn chương lềnh bềnh chua lòm tợ nước lèo,
lại ưa thường còn cùng tuế nguyệt!
Nón tơi đỏng đảnh ghé tòa soạn gởi thơ đăng,
Google dật dờ dạo trang nhà tìm văn viết.
Thao thức chờ bài không hiển thị - thư phòng lóng nhóng để nhện giăng,
Trở trăn đợi báo chẳng đưa về - bút nghiên lơ ngơ mặc gián quệt.
Nhìn cột kèo rệu rạo bè bạn xun xoe động lòng
Thấy phên liếp liêu xiêu vợ con hít hà thương tiếc.
Bà con hỡi! Nói là nói rứa – cho vui khi mắt nhắm tay xuôi,
Bạn bè ơi! Nghe hãy nghe ri – nỏ buồn dẫu lưỡi đơ tai điếc.
Nhớ linh xưa !
Dở dang đèn sách thuở ngây thơ
Ngắn ngủi cuộc chơi thời tinh khiết.
Màn đựơc mất nói đâu cho vừa
Bả nhục vinh bàn chi mà hết
Chẳng những buông hết thù hận để tâm được rỗng rang
Mà còn xả sạch ghét ganh cho thân thôi mỏi mệt.
Để nay !
Đến Âm phủ- đó bậc thượng quan
Từ Ta bà - đây kẻ hạ liệt
Diêm Vương khảo tra
Thảo dân cáo yết
Mấy mươi năm ăn ở trên đất- thân chuyển khẩu cũng nghe tủi xót xa,
Vài ba giây giam cầm trong hòm - mũi tắt hơi đã thấy buồn da diết.
Sống với bạn ngay thẳng không niệm đổi thay
Ở cùng người thật thà chẳng tuồn chì chiết.
Dừng gieo hạt bất nghĩa nên nỏ cầu xin
Thôi cấy mầm vô nhân nào cần hối tiếc
Tự thắp nén tâm hương lúc sanh
Để huơ gươm trí tuệ khi chết
Nhục thân gởi trả trần gian vọng cầu
Thần thức bay về Phương Tây dự tiệc
Lạc bang kíp đi về
Cát bụi thôi nuối tiếc
Rượu suông chén cơm lạt - tiễn dâng
Khói nhòa Ngũ phần hương - bái biệt
 Tánh  linh thượng hưởng ! 
    
                      Vĩnh biệt Tôi ô hô!
                                                      LĐM / Tiếu bút
*  Chị nhà phúc"Masoeur"
**Cây Tre vừa đủ lá
***Ôông HT Khai Sơn Chùa Hiếu Quang Huế

CẢM MÙA VU LAN

 
Thơ Bình Thanh
               Thơ Bình Thanh
Từ ly ve đưa hè xa buồn vương
Thu sang lay bay heo may sầu thương
Mùa vu lan về vong nhân mong chờ
Song thân qua đời chơi vơi khôn lường
Mồ côi bao năm đeo bờ trần ai
Sông trôi tìm nguồn cay niềm tang thương
Ta bơi quanh dòng huơ chèo tàn phai
Cung tay mơ về nhen hồn từ đường
Thân chao muôn phương bu toa tang bồng
Tung hê tơi bời tuôn triền phù hư
Không ga chào mời bè trườn long đong
Trần thân nghìn trùng sương giăng sa mù
Chi bằng miền quê lê thân về nương
Nơi quên hơn thua đong đầy yêu thương
Dù đời cô miên tri ân  tươi lòng
Công ơn sanh thành bao la trùng dương
Thu quăng đìu hiu hư không mơ màng
Sầu chon von dâng tràn miền sơn khê
Chiêu hồn tâm yên dù nghe cung đàn
Tràng phan vu lan huyền vi nơi về !
                                              LĐM
               

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

ĐỨC KIỀU ĐÀM DI!



Đức Kiều Đàm Di tên đầy đủ theo Pàli ngữ Mahàpajàpati – Gotami. Hán ngữ phiên âm Ma Ha Ba Xà Ba Đề, nghĩa là Đại Ái Đạo, sinh trưởng tại Devadaha, nước Câu Ly - một nước nhỏ đối diện với Ca Tỳ La Vệ, con của vua Thiện Giác. Sau khi hạ sanh Thái Tử Tất Đạt Đa được bảy ngày, Hoàng hậu Ma Da viên tịch, Kiều Đàm Di trở thành Di Mẫu, trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng Thái Tử khôn lớn.
 Di Mẫu Kiều Đàm Di nuôi dưỡng Thái Tử Tất Đạt Đa

Đến tuổi trưởng thành, Thái Tử xuất gia và thành Phật. Sau khi thành đạo khoảng ba năm, lần đầu tiên đức Thế Tôn quyết định trở về hoằng pháp tại cố hương, đồng thời thăm viếng Phụ Thân và Hoàng Tộc.
Trong lần này, Di Mẫu được Thế Tôn giáo hóa, sau khi nghe thuyết pháp, đã chứng đắc Sơ quả Tu đà hoàn. Lần thứ hai, năm năm sau ngày thành đạo, Thế Tôn trở về Ca Tỳ La Vệ để độ cho Vua Cha đang hấp hối. An táng Vua Cha xong, Thế Tôn ở lại quê nhà một thời gian ngắn rồi tiếp bước du phương hóa độ.
Chính trong thời điểm này, tại vườn Ni câu Luật, Di Mẫu đã xin phép Phật được thế phát xuất gia làm Sa Môn. Qua ba lần thưa thỉnh nhưng Thế Tôn không chấp nhận. Sau đó, Thế Tôn cùng Tăng chúng rời Ca Tỳ La vệ tiếp tục bộ hành đến Tỳ Xá Ly.
Liền đó, Di Mẫu quyết tâm rời bỏ cung son điện ngọc, ngôi cao Mẫu Nghi Thiên Hạ, cùng với năm trăm Thích Nữ Hoàng Tộc tự xuống tóc, đắp áo cà sa, đầu trần chân đất, băng rừng lội suối theo chân Phật bộ hành đến Tỳ xá Ly.
Tại Đại Lâm, ở những ngôi nhà có nóc nhọn, nơi Thế Tôn đang trú ngụ, Di Mẫu và các Thích Nữ đi đến, chân sưng vù, tiều tụy, hốc hác, mình mẩy lấm lem bụi đất, nước mắt đầy mặt, sầu muộn khóc than, đứng ngoài cửa chính.
Tôn giả A Nan khởi đại bi tâm đã ba phen khẩn cầu đức Phật và cuối cùng Phật bằng lòng cho người nữ xuất gia với điều kiện bắt buộc phải thọ trì Bát kỉnh pháp (tám pháp mà Phật dạy chư Ni phải cung kính tôn trọng chư Tăng - ) đến suốt đời.
Từ đây, giáo đoàn Tỳ Kheo Ni được thành lập, Di Mẫu đứng đầu, tuân theo sự lãnh đạo của Thế Tôn cùng với sự trợ duyên của chư Tăng. Sau khi được xuất gia, Di Mẫu đến yết kiến Phật, nghe Phật thuyết pháp rồi tinh cần tu tập chứng đắc quả vị A la hán với Trí Tuệ trực giác và phân tích.
Nhờ vào đức Kiều Đàm Di, Ni đoàn phát triển nhanh chóng và thực sự lớn mạnh. Nhiều Tỳ kheo Ni chứng đắc quả vị A la hán, có uy tín trong quần chúng, được cư sĩ và dân chúng ca ngợi, ngưỡng mộ.
Khi nghe tin Đức Thế Tôn ba tháng nữa sẽ nhập Niết bàn, đức Kiều Đàm Di cùng 500 Tỳ kheo Ni đã vội vàng đến đảnh lễ Phật, xin phép được nhập diệt trước Ngài. Bấy giờ, tại Cao Đài Lan Nhã, đức Kiều Đàm Di và 500 vị Thánh Ni đã bay lên hư không hiện đủ các tướng thần biến rồi trở về hương thất và nhập vô Dư Niết bàn.
Đích thân Thế Tôn một tay đưa Nhục Thân Di Mẫu đến chỗ hỏa thiêu, lấy gỗ chiên đàn chất lên trên thân tôn giả, chủ trì lễ trà tỳ. Đại Tướng Gia Thâu Đề đã thâu lấy xá lợi của chư vị Thánh Ni, phân bố để xây tháp Phụng Thờ.


Tại Việt Nam, ngay từ thời Ni Bộ Bắc Tông thành lập, Sư trưởng Như Thanh cùng quý Ni trưởng, Ni sư đã họp bàn để chọn một ngày trong năm có ý nghĩa để tưởng niệm đức Kiều Đàm Di. Rất nhiều bậc tri thức Ni thời bấy giờ đã
tra cứu Kinh, Luật, Luận để tìm kiếm tư liệu nói về ngày Đức Kiều Đàm Di viên tịch. Thế nhưng họ không tìm thấy một tư liệu nào đề cập vấn đề thời gian Ngài nhập Niết bàn.Về sau, quý Ni trưởng, Ni sư nhất trí chọn mồng 8 tháng 2 là ngày Phật xuất gia để làm lễ tưởng niệm Đức Kiều Đàm Di. Chư Tôn Đức Ni cũng đã dựa vào các tư liệu có được để phác thảo hình ảnh và tạc tượng của Tổ sư, tôn trí tại chùa Từ Nghiêm (TP.HCM) vốn là trụ sở của Ni Bộ Bắc Tông thời ấy. Hình ảnh của Đức Kiều Đàm Di lan rộng khắp nơi từ đó.
Hàng năm đến ngày mồng 8 tháng 2, chư Ni khắp nơi đồng quy tụ về chùa Từ Nghiêm, để làm lễ tưởng niệm Tổ sư. Nhân dịp này, Chư Vị Trưởng Lão Ni đã sách tấn, động viên các thế hệ Ni trẻ tiếp nối sự nghiệp tu hành và hoằng dương Chánh pháp.
Tưởng niệm Đức Tổ Sư Ni Kiều Đàm Di là trách nhiệm chung của Chư Ni và ngày 8 tháng 2 âm lịch hàng năm giờ đây đã trở thành ngày truyền thống của Ni Giới trong Toàn Quốc. 

(*): Bài viết có sử dụng tài liệu trong Tăng Chi Bộ III, phẩm Gotami; Trung A Hàm II, Kinh Tăng Nhất A Hàm, Kinh Cù Đàm Di…
Ảnh LĐM                                  Ngón Tay Chỉ Trăng